Cây dây nhện – Cách trồng và chăm sóc cây dây nhện
Nếu bạn đang có nhu cầu tìm cây cảnh để bàn, cây trang trí trong nhà, cây trang trí ban công hay cây để tạo viền cho khuôn viên thì cây Dây nhện là một lựa chọn không thể tuyệt vời hơn.
Cây Dây nhện còn có tên gọi khác là cây Lan chi hoặc Lục thảo trổ, Cỏ mệnh môn, Luyến khách, nhiều nơi còn gọi với tên rất trìu mến cây Mẫu tử. Cây Dây nhện có tên tiếng Anh: Spider Plant ( tên khoa học: Chlorophytum Comosum).
Cây Dây Nhện là thực vật thân thảo phát triển quanh năm, phần thân bị bao phủ bởi nhiều lớp lá chồng lên nhau. Thân cây ngắn nhưng ngược lại lá cây rất dài, nhọn và tỏa ra xung quanh tạo vẻ mềm mại cho không gian nhà bạn. Lá cây màu xanh hơi nhạt, mép lá viền màu trắng tạo điểm nhấn khá ấn tượng. Cây phát triển thời gian dài có thể sinh cây con xung quanh, cây con thường mọc dài ra, treo lơ lửng ngoài không trung và lấy chất dinh dưỡng từ cây mẹ vì thế cây còn được gọi với tên thân thương là cây Mẫu tử. Những chậu Dây nhện treo lơ lửng tạo cảm giác thích thú với người xem bởi lá xanh dài mềm mại kết hợp với những nhánh cây con tua rua ra xung quanh, tô điểm thêm là những bông hoa trắng nhỏ li ti.
Ngày nay, môi trường càng ngày càng có dấu hiệu ô nhiễm nặng hơn, chất thải từ các thiết bị hiện đại trong nhà cũng ngày càng nhiều, cây dây nhện được trồng ngày càng rộng rãi bởi nó là loại cây có khả năng hấp thụ ô nhiễm rất lớn, có thể hấp thu, làm sạch hết những khí có hại trong nhà một thời gian ngắn. Cây Dây Nhện có khả năng hấp thu Cacbonic và các khí độc vào ban đêm mà không cần ánh sáng nên rất thích hợp để đặt cây dây nhện trong phòng ngủ. Chỉ một cây Dây Nhện, trong vòng 24 giờ đồng hồ có thể làm sạch đến 85% lượng chất Formaldehyde trong phòng.
Ngoài ra còn có thể hấp thu tia bức xạ máy tính. Nhờ khả năng của mình, cây biến chất khí gây ung thư trong không khí như Aldehyde formic thành đường và amoni acid. Thân cây nhện có thể dùng làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm nhuận phổi, tiêu sưng tán viêm. Dùng thân cây giã nát, đắp ngoài vết thương có tác dụng làm lành vết thương.
Một điểm cộng cho Dây nhện nữa là rất dễ trồng và chăm sóc. Bạn có thể trồng theo cách giâm cây con từ nhánh của cây mẹ hoặc là gieo hạt. Trồng cây ở nơi có bóng râm và ưa ẩm. Thi thoảng bạn cần bón phân để cây phát triển tốt nhất.
Cây dây nhện phù hợp với làm cây cảnh để bàn, trồng ban công, tạo ấn tượng mạnh khi trồng trong các góc cạnh hay kệ trang trí trong nhà. Do đặc tính dễ chăm sóc và phát triển tốt quanh năm nên Dây nhện cũng được trồng khá nhiều ở các bồn hoa, khuôn viên tạo viền trang trí đẹp mắt.
Ngoài ra, cây dây nhện còn mang đến ý nghĩa phong thủy hoàn hảo đem đến thịnh vượng, may mắn và tài lộc trong công việc. Dây nhện cũng tượng trưng cho sự đông con, đông cháu và gia đình phát triển bền vững. Vì vậy loài cây này cũng được nhiều người dùng để làm quà tặng. Trong đó tiêu biểu nhất là tặng cho những cặp vợ chồng mới cưới, hiếm muộn.